• Chào mừng bạn đến với diễn đàn Lục Ngạn ngày nay
    Bạn có thể tạo các chủ đề hữu ích và thảo luận tự do (văn minh, lịch sự)

Những dấu tích gắn liền với di tích lịch sử của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông tại Ải Nội Lục Ngạn Bắc Giang

Lucnganfood.com

Lục Ngạn Food
Lục Ngạn vốn là một vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Nơi đây cũng đã sản sinh ra những anh hùng dân tộc, đóng góp một phần không nhỏ trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược từ ngàn xưa. Cũng từ truyền thống bất khuất chống giặc ngoại xâm ấy, người dân các dân tộc trên vùng đất Lục Ngạn đã lập nên các ngôi đình, đền, miếu để tưởng nhớ đến chiến công của các anh hùng dân tộc đã chiến đấu vì độc lập tự do cho đất nước, từ Cao Sơn – Qúy Minh - những vị tướng tài giỏi thời các vua Hùng, đến Thân Cảnh Phúc, Vi Hùng Thắng, Trần Hưng Đạo, Yết Kiêu, Dã Tượng ...
Ngoài ra, Lục Ngạn cũng để lại nhiều dấu tích của các cuộc kháng chiến một trong nhiều dấu tích gắn liền với những di tích khá đậm nét ở ải Nội Bàng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông: Đền Khánh Vân thờ Vi Hùng Thắng - đền thờ là nơi đánh dấu cuộc chiến cuối cùng Vi Hùng Thắng hi sinh tại đó; đình, chùa Đại Miễn nơi còn lưu giữ một hiện vật vô cùng có giá trị đó là hòn đá mài gươm; đình, chùa Nội Bàng gắn với tên đại bản doanh mà Trần Hưng Đạo khi xưa chọn làm địa điểm đóng quân chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ 2 và thứ 3 đó là phòng tuyến Xa Lý (Còn gọi là Khả Lý), Biển Động (còn gọi là Động Bản) và Nội Bàng (nay thuộc Bình Nội, huyện Lục Ngạn).
FB_IMG_1671678137383.jpg

1. Cuộc kháng chiến Nguyên Mông lần thứ hai ( năm 1285)
Vào cuối tháng 1-1285, quân Nguyên vượt qua ải Nam quan, chia làm hai mũi tấn công. Một cánh quân tiến dọc lưu vực sông Thương còn cánh quân thứ hai Theo vùng Lộc Bình vào Na Ngạn (Lục Ngạn ngày nay) do Thoát Hoan cầm đầu. Thoát Hoan dẫn đại quân đánh vào Sa Lý. Hai tướng nhà Trần là Đỗ Vĩ, Đỗ Hựu trấn giữ ở đây đã hy sinh anh dũng. Giặc tràn xuống Biển Động, tướng Tần Sầm tử trận, phòng tuyến bị vỡ. Giặc tiến nhanh đến Trù Hựu (Chũ, Lục Ngạn). Dò biết được Trần Quốc Tuấn đang đóng ở Nội Bàng (Bình Nội - Lục Ngạn).
Ngày 2-2-1285, quân Nguyên Mông chia làm 6 mũi tiến công vào Nội Bàng, tướng nhà Trần là Đoàn Thai lâm nạn, phòng tuyến bị vỡ. Yết Kiêu đến ứng cứu Trần Quốc Tuấn. Còn Vi Hùng Thắng chỉ huy lực lượng dân binh chặn đánh quân Nguyên giúp Trần Quốc Tuấn và đội quân nhà Trần rút lui an toàn.

FB_IMG_1671678141655.jpg
2. Cuộc kháng chiến Nguyên Mông lần thứ 3 (1287- 1288)
Ngày mồng 1 tháng 2 năm 1288, địch qua đường Sa Lý-Biển Động tiến vào Nội Bàng nhưng đến nơi bị sa vào trận phục kích quân ta. Chúng bị thiệt hại nặng nề.
“Ngày mồng 2 tháng 2 năm 1288, Thoát Hoan cho quân vượt sông Hồng tiến vào Thăng Long nhưng vua tôi nhà Trần đã rút hết. Hơn một tháng sau, Thoát Hoan đưa quân lui về Vạn Kiếp rồi cuối cùng quyết định rút quân bộ theo đường Na Ngạn còn quân thủy theo sông Bạch Đằng”
“11 tháng 4 năm 1288, đạo quân bộ của Thoát Hoan bị sa vào ổ phục kích ở Nội Bàng phải cố đánh mới mở đường máu thoát chết. Thoát Hoan phải cho Trương Quán chỉ huy 3000 quân tinh nhuệ đi sau hộ vệ nhưng vẫn vấp phải trận địa mai phục ở Sa Lý hoặc bị sập xuống các hố bẫy ngựa. Quân ta từ các điểm cao bắn xuống làm cho quân Nguyên càng thêm khốn khổ”.
(Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang, Địa chí Bắc Giang: Lịch sử và văn hóa, sđd, 2006, tr.40)
NHỮNG DẤU TÍCH CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG QUÂN NGUYÊN MÔNG GẮN LIỀN VỚI DI TÍCH: ĐỀN KHÁNH VÂN; ĐÌNH CHÙA ĐẠI MIỄN; ĐÌNH, CHÙA NỘI BÀNG TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN LỤC NGẠN- TỈNH BẮC GIANG.
FB_IMG_1671678148896.jpg
1 Đền Khánh Vân (Đền Quan Quận)
Địa điểm: Tổ dân phố Trần Hưng Đạo, thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Dấu tích của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông là người được thờ tại di tích: Vi Hùng Thắng.
“Khi nước ta có giặc Mông Cổ sang xâm lấn, ông được vua Trần Nhân Tông cho trấn giữ vùng Sơn - Lục cùng các tướng Trần Sấm , Đỗ Hựu, Đỗ Vĩ, Nguyễn An, Trần Bách... từ Nam quan về đến ải Nội Bàng. Các cánh quân của các tướng trên đã đánh trả quyết liệt cản bước tiến quân của giặc Nguyên và lần lượt hi sinh. Trước sức tấn công như vũ bão của giặc, Trần Hưng Đạo đóng ở ải Nội Bàng hạ lệnh cho quân rút về xuôi theo sông Lục Nam. Vi Hùng Thắng được cử làm tướng giữ hậu quân chặn quân Nguyên cho toàn quân rút lui. Trong trận cuối cùng, Vi Hùng Thắng đã hy sinh ở núi Tân Dã, thuộc thôn Hà Thị (nay là Tổ dân phố Trần Hưng Đạo), Lục Ngạn cùng hai tiểu tướng là Nông Thị Tâm và Lâm văn Cường.
Đất nước thanh bình, quân Nguyên đã bị quét sạch ra khỏi bờ cõi, Vua Trần hội họp bá quan khen thưởng. Các tướng đề nghị vua ban thưởng và vinh danh phong cho các tướng đã hi sinh vì nước. Vi Hùng Thắng được vua Trần phong thưởng cho các chữ sau:
Sinh vi tướng, tử vi thần, Hùng Thắng suy linh nhật nguyệt
(Sinh làm tướng, chết đi làm thần , tên tuổi Hùng Thắng oai phong, linh ứng cùng mặt trời, mặt trăng)
Tại nơi ông mất, nhân dân đem xác ông chôn cất thành mộ. Sau tại nơi đó được lập đền thờ ông còn phối thờ các danh tướng nhà Trần như: Khắc Chung, Bình Trọng, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng, Hà Đặc…”
(Sở Văn hóa – Thông tin bảo tàng Bắc Giang, Lí lịch di tích đền Khánh Vân, sđd, 2006,tr.3)

Tượng Vi Hùng Thắng ngồi chính gian giữa, hai bên thờ các tướng thời Trần cùng ông đánh giặc như Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão…tại đền Khánh Vân - Chũ- Lục Ngạn

2 Đình, chùa Đại Miễn.
FB_IMG_1671678146296.jpg
Là tên được gọi theo thôn trước đây. Nhân dân trong vùng từ xưa đến nay vẫn thường gọi là đình chùa Đại Miễn. Nay đình, chùa này thuộc thôn Mịn To, xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Dấu tích của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông ở chùa Đại Miễn là một hiện vật vô cùng có giá trị. Hiện vật đó có ý nghĩa lịch sử to lớn, là chứng tích của cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông- một giai đoạn huy hoàng trong lịch sử đấu tranh anh dũng chống giặc ngoại xâm của nhân dân Lục Ngạn, nhân dân Bắc Giang. Đó chính là hòn đá mài gươm hiện đang đặt trong chùa Đại Miễn. “Truyền rằng sau khi đi đánh trận về, quân ta thường nghỉ tại đây mài gươm trên tảng đá này rồi lại tiếp tục lên đường giết giặc. Hòn đá này dài 2m. trên hòn đá có tới 6,7 vết mòn vẹt sang một bên, mỗi vết sâu từ 10 đến 30 cm nó chứng tỏ đó là những vết mài của rất nhiều người. Có thể là hàng ngàn, hàng vạn người thì mới tạo ra vết mòn như vậy. Nhìn những vết mòn trên hòn đá này ta có thể kết luận rằng đó là những vết mòn do bàn tay con người tạo ra chứ không thể là vết mòn tự nhiên được ”
(Sở Văn hóa – Thông tin bảo tàng Bắc Giang, Lí lịch di tích đình, chùa Đại Miễn 2003, tr.6)


Hòn đá mài gươm được đặt tại chùa Đại Miễn ( thôn Mịn To, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang)

3. Đình, chùa Nội Bàng.
Địa điểm: thôn Bình Nội, xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Dấu tích của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông là tên gọi của đình, chùa. Nội Bàng chính là tên đại bản doanh mà Trần Hưng Đạo khi xưa chọn làm địa điểm đóng quân.
“ Đến giữa thế kỉ XIII, mối đe dọa của quân Mông Cổ đã trở thành hiện thực đối với Đại Việt. Đây là một đội quân thiện chiến, quen dựa vào sự nhanh nhẹn của kỵ binh để đánh những mũi vu hồi lớn, tấn công bằng nhiều gọng kìm, tránh thực đánh hư” ((Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang, Địa chí Bắc Giang: Lịch sử và văn hóa, sđd, 2006, tr.35)
Cuộc đọ sức đầu tiên với quân Mông Cổ diễn ra vào năm 1258. Kết quả quân Mông Cổ thất bại.
Trong trong Đại Việt sử kí toàn thư ghi “ Mùa thu tháng 8 [9 -1282) thự thần Lạng Châu là Lượng Uất chạy trạm tâu báo rằng, Hữu thừa tướng Nguyên là Toa Đô đem 50 vạn quân nói phao là mượn đường đi đánh Chiêm Thành những thực ra là sang xâm lược nước ta”
Trước tình thế này, cuối năm 1282, vua Trần đã mở hội nghị Bình Than họp vương hầu bách quan để bàn kế đánh phòng, chia quân giữ nơi hiểm yếu. Tuân theo tư tưởng chiến lược đề ra Trần Quốc Tuấn đích thân thị sát một số khu vực trong đó có Na Ngạn ( Lục Ngạn ngày nay) và ông đã chọn Sa Lý ( Còn gọi là Khả Lý), Biển Động ( còn gọi là Động Bản) và Nội Bàng (nay thuộc Bình Nội, huyện Lục Ngạn) để tổ chức một hệ thông phòng thủ mạnh. Bởi đây là những vị trí quan trọng, trên trục giao thông thủy, bộ kết nối với Lạng Sơn, sang đông bắc Quảng Ninh, suôi sông Lục Đầu về Vặn Kiếp để tiến vào Thăng Long. Địa hình khu vực này với những cánh rừng bát ngát, hệ thống đồi núi hiểm trở sẽ cắt xé lực lượng kẻ thù làm nhiều mảnh nhỏ rất có lợi cho bố trí phục binh của ta và hạn chế sở trường của giặc vì kẻ thù không thể tìm thấy ở nơi đây những thảo nguyên mênh mông để phát huy hết sức mạnh của vó ngựa.

Đình, chùa Nội Bàng (thôn Bình Nội, xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) gắn với tên đại bản doanh trong kháng chiến chống Nguyên Mông.

Như vậy có thể nói rằng, những dấu tích của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông đã gắn liền với di tích: Đền Khánh Vân; chùa Đại Miễn; đình, chùa Nội Bàng trên địa bàn huyện Lục Ngạn – tỉnh Bắc Giang.

Trương Thị Phong
Giáo viên Trường THPT Lục Ngạn số 3
 

Bài mới nhất trong hồ sơ

Mùa cam, bưởi Lục Ngạn 2023 đến rồi :)
Đến mùa mật ong hoa vải nữa rồi
Chúc mừng năm mới 2023.chúc nhà nhà đón Tết bình an hạnh phúc
Việt Nam vô địch AFF CUP 2022
Tấm vé chung kết gọi tên những Chiến binh Sao vàng trong ngày toả sáng của Tiến Linh!
Xin được chúc mừng thầy trò HLV Park Hang-seo!
Bên trên