• Chào mừng bạn đến với diễn đàn Lục Ngạn ngày nay
    Bạn có thể tạo các chủ đề hữu ích và thảo luận tự do (văn minh, lịch sự)

Khái quát Lịch sử, văn hóa, con người Lục Ngạn

lucngan

Member
Lục Ngạnhuyện miền núi phía Đông Bắc tỉnh Bắc Giang, có diện tích tự nhiên 101,728km2 với 30 xã, thị trấn, trong đó có 12 xã vùng cao, 18 xã, thị trấn miền núi. Dân số toàn huyện năm 2012 là 215.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 49%, với 08 dân tộc anh em (Kinh, Tày, Nùng, Sán Chí, Sán Dìu, Hoa, Dao, Cao Lan) sinh sống đan xen ở 394 thôn bản, khu phố, tạo nên sự giao thoa văn hoá đặc sắc mà ít nơi nào có được. Những giá trị văn hoá phi vật thể của các dân tộc vẫn còn được lưu giữ gần như nguyên vẹn như: trang phục, phong tục, các làn điệu dân ca Sloong hao, Sli, lượn, hát đối…. Là vùng đất được hình thành và phát triển từ rất sớm, vào năm 1975, ngành khảo cổ đã phát hiện được ở Lục Ngạn di chỉ đồ đá cũ phân bố trên gò Non Trúc, giáp suối Nghè Mưa, đã tìm thấy 27 di vật bằng đá cuội gồm các công cụ có biên lưỡi theo chiều dọc, công cụ có biên lưỡi theo chiều ngang, công cụ có biên lưỡi vát chữ V, công cụ có biên lưỡi theo hình vòng cung cùng một số mảnh tước, thạch đá thuộc thời đại đồ đá cũ. Điều đó chứng tỏ con người đã đến sinh sống trên mảnh đất này từ rất sớm, nơi đây hội tụ những giá trị lịch sử, văn hóa đa dạng, tiêu biểu của văn hóa cộng đồng các dân tộc tỉnh Bắc Giang.

Nghi thức rước tượng.jpg

Vùng Lục Ngạn xưa có con đường chiến lược từ Đệ tứ chiến khu chạy qua xã Quý Sơn đến Đồng Giao, sang Mịn Con rồi sang Sậy To, Hồ Sen xã Thanh Hải, đi qua xã Kiên Lao và đến Đông Triều- Quảng Ninh và dòng sông Lục Nam lịch sử, tạo điều kiện thuận tiện cho việc phát triển kinh tế, văn hóa của cả vùng.

Huyện Lục Ngạn là nơi có bề dày về truyền thống lịch sử- văn hóa với 01 di tích lịch sử cấp quốc gia (Đền Hả, Di tích lịch sử, được công nhận theo QĐ số 154/QĐ ngày 25/1/1991, thuộc xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn); 40 di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây cũng là vùng đất có nhiều danh lam thắng cảnh có thể tạo nên những điểm tham quan du lịch hấp dẫn cho những ai muốn tìm hiểu về ngọn nguồn lịch sử. Đó là ải Nội Bàng, ải Xa Lý, với các di tích và danh lam thắng cảnh đẹp như đền Từ Hả (đền Hả), đền Quan Quận, hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần và núi Am Vãi- nơi in dấu bàn chân Phật. Nơi đây cũng đã sản sinh ra những vị anh hùng dân tộc, đóng góp một phần không nhỏ trong các cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược từ ngàn xưa. Cũng từ truyền thống anh dũng bất khuất chống giặc ngoại xâm ấy, người dân các dân tộc sinh sống trên vùng đất Lục Ngạn đã lập nên các ngôi đình, đền, miếu để tưởng nhớ tới các chiến công của những người anh hùng dân tộc đã chiến đấu vì độc lập tự do cho đất nước, từ Cao Sơn- Quý Minh- những vị tướng tài giỏi thời các vua Hùng, đến Thân Cảnh Phúc, Vi Hùng Thắng, Trần Hưng Đạo, Yết kiêu, Dã Tượng...Đó là các cụm di tích đền, chùa Hả Hộ xã Hồng Giang, đền Tam Giang xã Mỹ An, đền Chể xã Phượng Sơn, đình Hạ Long xã Giáp Sơn, đình Trại Cống xã Kiên Lao, đình Cống Luộc xã Đèo Gia, đền Khánh Vân thị trấn Chũ....Các di tích đều đã được xếp hạng, đặc biệt đền Từ Hả xã Hồng Giang được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Gắn liền với các di tích là lễ hội. Hội đền Hả được tổ chức vào ngày mồng 6 đến 8 tháng giêng hàng năm, hội chùa Khánh Vân từ 18 đến 20 tháng 2, hội đền Tam Giang, hội đền Chể....đặc biệt là hội hát của người dân các dân tộc thiểu số trong dịp đầu xuân.

Các lễ hội dân gian tiêu biểu của huyện Lục Ngạn

Trong các làng người Kinh của Lục Ngạn, mỗi làng đều có một ngôi đình và một ngôi chùa. Đình là nơi nhân dân thôn xã thờ thành hoàng làng, những người có nhiều công lao với dân với nước trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ gìn độc lập dân tộc và những người có công lập làng, lập bản. Chùa là nơi thờ phật và là nơi sinh hoạt tín ngưỡng. Gắn liền với các thiết chế tôn giáo này là các lễ hội. Tùy theo từng làng, các ngày tổ chức lễ hội có khác nhau bởi ngày mở hội của các làng thường đúng vào ngày sinh hoặc ngày hóa của thánh từng làng nhưng thường là vào các dịp xuân thu nhị kỳ. Việc tổ chức lễ hội là để tỏ lòng tri ân với đức thánh đã phù hộ cho dân làng. Những năm được mùa, làng mở hội to có tế lễ, rước sách linh đình và tổ chức nhiều trò chơi dân gian khiến cho mọi thành viên trong cộng đồng đều thấy vui vẻ thoải mái sau những ngày lao động vất vả và cực nhọc.

Một lễ hội đình hay chùa của người Kinh thường bao gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Trong phần lễ, các cụ bản tự làm lễ tế thánh ở trong đình và rước thánh tuần du địa hạt hay diễn tả lại một trận đánh, một trò hội nói về công tích của vị thánh mà làng tôn thờ. Nếu là hội chùa thì thắp hương lễ phạt cầu an, mong muốn đức phật từ bi che chở cho mọi dòng tộc, mọi gia đình và các thành viên trong cộng đồng làng được an khang thịnh vượng, phong đăng hòa cốc. Ngoài sân đình sân chùa là các hoạt động văn hóa thể thao lành mạnh và bổ ích. Các trò chơi dân gian như: đu, đấu vật, kéo co...được diễn ra vui vẻ. Buổi tối, toàn dân trong vùng có hội lại được xem tuồng, chèo do làng đón từ các nơi khác ở dưới xuôi lên biểu diễn.

Lễ hội Đền Hả

Được tổ chức vào ba ngày 6,7,8 tháng Giêng âm lịch hàng năm, trong các dịp hội người dân trong vùng tổ chức rước sách diễn lại sự tích của tướng quân Vũ Thành đánh giặc. Trong 3 ngày hội ở đền Hả, mồng 8 là chính hội. Tuy nhiên cả ba ngày đó các cụ bản tự đều tổ chức tế lễ ở đền và chùa. Riêng ngày mồng 8 thì dân làng rước kiệu thánh ra bãi Dược và tổ chức tế lễ ở đó. Cuộc rước được tiến hành từ giờ Mão đến hết giờ Ngọ của ngày mồng 8 tháng Giêng. Đây thực chất là một sự mô phỏng diễn tả lại tích trò Vũ Thành cầm quân đánh giặc. Cuộc rước ở lễ hội đền Hả là nét văn hóa độc đáo, tiêu biểu nhất của lễ hội và cũng là nét khác biệt của hội Từ Hả so với các lễ hội khác của tỉnh Bắc Giang. Theo quy định, nghi thức rước thần ở Hả Hộ diễn ra theo các bước: Lễ giao tín (vào giờ Mão), lễ rước ra, lễ phù giá (vào giờ Tỵ), lễ kỳ binh nhập trận, lễ tế ở bãi Dược, lễ vật thờ, lễ dân cỗ chay của các giáp; lễ đảo cờ (2 lần bắt đầu vào giờ Ngọ), lễ hoàn cung, lễ mộc dục hóa thảo xá, lễ chùa cầu siêu. Ngoài phần lễ là phần hội, gồm các trò hội như múa sư tử, hát Sloong hao, Sli, Lượn, Sắng cộ, sịnh ca... của đồng bào các dân tộc ít người. Các trò chơi dân gian như: đu tiên, đá cầu chinh và các trò chơi mới như: võ dân tộc, bóng đá, bóng bàn, cầu lông. Những hoạt động này nhằm thỏa mãn nhu cầu về tâm linh, nhu cầu văn hóa và qua đó giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào và tình đoàn kết dân tộc cho các thế hệ.

Hội chùa Khánh Vân-Đền Quan quận

Hội chùa Khánh Vân gồm hai phần: Phần tế lễ rước sách và phần vui chơi, giải trí, biểu diễn tích trò. Phần tế lễ do dân trong làng đảm nhiệm. Làng cử ra 4 ông cai đám mỗi ông cai đám ở một khoảnh, bốn ông cai đám có trách nhiệm về phần lễ hội trong ba ngày này.

Di tích Đền - Chùa Khánh Vân.jpg

Ngày 18 tháng 2 làng mở cửa đền, chùa làm lễ tắm phật, lau chùi quét dọn chuẩn bị cho lễ hội; Ngày 19 tháng 2 làm lễ nhập tịch vào đám. Làng cho đóng kiệu ở trong đình để rước tế lễ làm lễ cầu đảo diễn tích trò và bơi trải trên sông; ngày 20 tháng 2 dã đám, dân làng dọn dẹp và đóng cửa đền. Đội tế gồm 21 người lo việc tế lễ trong đền từ 10 giờ đến 11 giờ, trong lúc tế dân làng ra xem rất đông. Trong phần tế lễ ngoài phần khấn nôm nói đến công lao của Vi Hùng Thắng và những người được thờ ở đền, dân làng còn tụng hết một quyển khoa cúng của đền. Tế lễ xong dân làng tổ chức rước kiệu dương thần và âm thần do con cháu họ Vi ở xã Thanh Hải rước vì cụ tổ họ Vi chính là Vi Hùng Thắng. Địa điểm rước thần từ đền, chùa lên Nghè Mưa, một địa danh có truyền tích về quân dân nhà Trần đánh giặc Nguyên tại đây. Năm nào trời hạn thì dừng kiệu làm lễ cầu mưa, sau đó tiếp tục hành rước qua cầu Hôi lên Bình Nội rồi lại trở về đền Khánh Vân. Trong cuộc rước có nhiều đoạn đường " kiệu bay". Những trai kiệu " cứ rầm rập, rầm rập" đi như bay như có phép mầu nhiệm.

Sáng ngày 19 tháng 2 tại khúc sông khu vực làng Hà Thị, dân làng tổ chức diễn lại tích trận thủy chiến trên sông Lục Nam. Từ bến Thảo đến đền Khánh Vân, người ta sắp xếp khoảng 50 đến 60 thuyền chia làm hai phe: ta và giặc. Phe giặc (quân Nguyên) mặc áo đen, phe ta mặc áo nâu đỏ đầu đội nón, trước ngực có gắn vòng chữ "Trần". Diễn lại tích trò thủy chiến trên sông là tượng trưng cho trận đánh giữa quân đội nhà Trần với quân Nguyên ở thế kỷ XIII diễn ra tại vùng đất này. Diễn xong tích trò này làng đốt pháo, những thủy binh diễn trận được thưởng một mâm cỗ dọn cạnh đống lửa để họ vừa ăn vừa sưởi tránh rét.

Trong ngày hội, tục lệ ở đây có làm cỗ tế thành hoàng, cỗ cho khách thập phương và dân làng ăn. Cơm cỗ cho khách không quy định nhiều mâm hay ít mâm, ai đến gặp bữa thì đi ghi phiếu vào ăn. Tục lệ này xưa nay vẫn thế vì đó chính là khao quân của nhà thánh.

Ngoài các tiết lệ trên trong 3 ngày hội còn có các tro chơi khác như: chọi gà, tổ tôm điếm, cờ tướng và hát phường chèo, hát ca trù, thường đội hát là những trai thanh gái sắc của làng, họ bắt đầu hát từ lúc 5 giờ chiều cho đến nửa đêm mới thôi.

Trong hội đền Khánh Vân còn có lệ bơi chải trên sông để tưởng nhớ tới quân đội nhà Trần và tướng quân Vi Hùng Thắng trong trận chiến năm xưa đã hy sinh tại đây.
 

lucngan

Member
Ngày hội Văn hóa- Thể thao huyện Lục Ngạn

Ngày hội được diễn ra trong 2 ngày 17,18 tháng 2 âm lịch hàng năm. Việc tổ chức ngày hội nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể của huyện. Ngày hội gồm các nội dung:

Phần thi hát đối đáp: Đây là phần thi dành cho các cặp hát dân tộc như: hát Then, hát Sloong hao, hát Sình ca, hát Soóng cộ...Ban giám khảo sẽ lựa chọn ra các cặp hát hay để trao giải A, B, C.

Phần thi người mặc trang phục dân tộc đẹp: Đây là phần thi thu hút đông khán giả nhất. Các thí sinh đến với ngày hội là những nam thanh nữ tú của 30 xã thị trấn của huyện, đại diện mặc trang phục của dân tộc mình đi thi. Được chia thành 2 phần: phần sơ khảo và chung kết. Phần chung kết được diễn ra hồi hộp, căng thẳng như bao cuộc thi sắc đẹp khác. Ban tổ chức trao giải nhất cho thí sinh mặc trang phục đẹp nhất và có câu trả lời hay nhất. Các trò chơi dân gian: Bịt mắt đập niêu, nhảy bao bố, kéo co, đánh đu...diễn ra sôi động. Bên cạnh đó ngày hội còn diễn ra các hoạt động thể thao như: bóng chuyền, cầu lông, đẩy gậy.

Tiềm năng phát triển du lịch

Cùng với những địa danh lịch sử, với truyền thống yêu nước, con người Lục Ngạn không chỉ dũng cảm trong đánh giặc giữ nước mà còn giỏi dang trong xây dựng quê hương giầu đẹp, với bao kỳ tích lưu truyền.

Nơi đây có ải Nội Bàng (còn có tên là Bàng Quan, thành nhà Mạc). Đây là chiến ải lớn nhất nằm ở khu vực giữa thung lũng sông Lục Nam. Trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông. Trần Hưng Đạo đã cho xây dựng phòng tuyến Xa Lý - Nội Bàng và đặt đại bản doanh ở Nội Bàng ( khu vực xã Phượng Sơn).

Ải Xa Lý còn có tên là ải Khả Ly nằm trên con đường mòn từ Xa Lý sang Lộc Bình của Lạng Sơn. ải này nằm trên eo của núi ải, đoạn thắt lại hiểm trở nên thường gọi là Đèo ải ở độ cao trên 500m, đỉnh đèo là cửa ải Xa Lý.

Khu du lịch hồ Khuôn Thần có tổng diện tích là 2700ha, có 1000ha rừng, trong đó rừng tự nhiên 500ha, rừng thông 500ha và hồ Khuôn Thần rộng 140ha, với dung tích 10.000.000 m3, trong hồ có 5 đảo lớn và 7 đảo nhỏ. Nơi đây đã được trồng thông, du khách có thể tắm hồ, leo núi, bơi thuyền thăm các đảo và thắp hương ở đền thờ Hồ Công Trạc một vị tướng quân người dân tộc thiểu số. Trên đất Lục Ngạn, hồ Khuôn Thần nổi lên như một viên ngọc lấp lánh giữa vùng rừng núi mênh mang.

Hồ Cấm Sơn với diện tích rừng bao quanh 21.800ha, diện tích mặt nước hồ 2.400ha, dung tích nước hồ 307 triệu m3. Đang phát triển, đầu tư trung tâm giống thuỷ sản cấp I phục vụ cho phát triển kinh tế và đặc biệt đặc sản cá nước ngọt ở hồ Cấm Sơn và những món ăn nổi tiếng khác của người dân các dân tộc như khau nhục, voỏng mún, bánh hút, bánh bìa, bánh phổi bò, chè phao...

Hồ Làng Thum với diện tích mặt hồ 126ha, dung tích 8.334.000m3 diện tích lưu vực là 27,5km2, diện tích tưới tiêu cho 700ha, là nơi nuôi trồng thuỷ sản và vườn cây ăn quả xung quanh hồ rất phù hợp cho khách thăm quan du lịch.

Núi Am Vãi(còn gọi là núi Am Ni, núi Quan âm) nằm ở giữa địa phận các xã: Nam Dương, Tân Mộc, Tân Lập, Nghĩa Hồ thuộc sơn phận Yên Tử. Đá ở núi là đá cát kết khối lớn. Trên đỉnh núi Am Ni có một ngôi chùa mang tên chùa Am Vãi ở phía Bắc núi trên độ cao hơn 400m. Kề bên ngọn Am Vãi có núi Bàn Cờ Tiên. Cạnh đó là các khu núi mang tên Hang Tiền, Hang Gạo có nhiều truyền thuyết về những hang này. Núi Am Ni là một núi lớn, cảnh sắc bốn mùa khác nhau, rất đẹp, lại có ngôi chùa cổ trên đỉnh núi được liệt vào hàng danh sơn, thắng tích, hàng năm hội chùa được mở vào ngày 3 tháng 3 âm lịch, thu hút được đông đảo khách thập phương về dự. Đến chùa Am Vãi du khách không chỉ thoả lòng thành tâm hướng phật, được thưởng ngoạn cảnh đẹp núi non hùng vĩ, bản làng thơ mộng…thưởng thức dòng nước ngọt ngào tuôn ra quanh năm từ những khe núi, đắm mình trong thiên nhiên cây cỏ ở khu rừng thưa tĩnh lặng phía sau chùa, tạm lánh xa những sô bồ của cuộc sống hiện đại, thư thái tìm về cõi tâm linh….

Điểm du lịch thuộc các cụm di tích được cấp bằng công nhận “Di tích lịch sử văn hoá” như: đền Hả (xã Hồng Giang), được mở hội vào mồng 6,7,8 tháng giêng hàng năm, thờ tướng quân Vũ Thành (tức Thân Cảnh Phúc). Đây là một lễ hội có quy mô lớn còn lại đến ngày nay trên đất Lục Ngạn. Cùng với lễ hội Từ Hả, Lục Ngạn còn nhiều lễ hội dân gian đặc sắc khác như hội chùa, đền Khánh Vân, được tổ chức vào hai ngày 19-20 tháng 02 âm lịch thờ tướng quân Vi Hùng Thắng thời Trần. Một số hội khác như: Hội đền Tam Giang, hội đền Chể, đền Cầu Từ... Và đặc biệt là hội hát dân ca của các dân tộc thiểu số vùng Lục Ngạn và dịp 17-18 tháng 02 âm lịch hàng năm. Có thể nói rằng: Vải thiều là cây xoá đói giảm nghèo cho Lục Ngạn thì tiềm năng văn hoá sẽ là nền tảng để du lịch khai thác và phát triển. Như vậy, văn hoá và du lịch sẽ làm giàu thêm cho kinh tế Lục Ngạn trong tương lai...

Với truyền thống văn hoá và bề dầy lịch sử, với vị trí địa lý khá thuận lợi cho một vùng cây ăn quả đang trên đà phát triển, Lục Ngạn đã trở thành "Kinh đô" mới của vải thiều, cam đường canh nổi tiếng của cả nước, những sản phẩm nông sản nổi tiếng khắp nơi: gạo bao thai hồng Lục Ngạn, nếp cái hoa vàng Phì Điền, mỳ Chũ, gà đồi, rượu Kiên Thành...Bên cạnh đó đã thức dậy một tiềm năng mới đó là du lịch. Một quần thể du lịch đã được hình thành và ắt sẽ có trong tương lai đó là: du lịch vườn cây ăn quả, du lịch di tích lịch sử - danh thắng và du lịch sinh thái môi trường (hồ Khuôn Thần, hồ Cấm Sơn, Hồ Làng Thum)...Điều đó đang đặt ra hướng đi mới, đòi hỏi tư duy đổi mới của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện để khai thác tối đa tiềm năng phát triển ngành du lịch địa phương dựa trên các cơ sở, những điều kiện tự nhiên và các tài nguyên du lịch nhân văn, các công trình văn hoá - xã hội hiện có. Bên cạnh đó, những yếu tố như làng nghề truyền thống (làng mỳ Thủ Dương, còn được gọi là mỳ Chũ), những món ăn đặc sản của địa phương sẽ làm cho sản phẩm du lịch thêm hấp dẫn.

Du lịch được xác định là ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước ta nói chung, của tỉnh Bắc Giang và Lục Ngạn nói riêng, bởi ngành Du lịch được mệnh danh là “con gà đẻ trứng vàng”. Mặc dù tiềm năng là rất dồi dào và hấp dẫn song việc xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là đổi mới các phương thức hoạt động trong đó nếu thiếu các hoạt động vui chơi, giải trí đặc sắc thì không níu giữ được du khách và các dịch vụ du lịch sẽ không phát triển được.

Thiết nghĩ, đối với Lục Ngạn, ngoài việc phải có một quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2020 thì Lục Ngạn cũng rất cần sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, của trung ương để tăng cường nguồn vốn ngân sách, xây dựng cơ sở hạ tầng và việc thực hiện thành công đề án xây dựng huyện văn hoá tạo thêm tiền đề cho du lịch phát triển, đồng thời chuẩn bị một đội ngũ cán bộ có nghiệp vụ du lịch ngay từ bây giờ (chú trọng cán bộ là người dân tộc, hiểu và biết tất cả các yếu tố về dân tộc như: tiếng nói, hát các làn điệu dân ca dân tộc...) và phát triển dịch vụ du khách kiểu vùng sơn cước và các loại hình vui chơi, giải trí, văn hoá, nghệ thuật truyền thống của huyện, vừa phục vụ du khách, vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc như: hát dân ca các dân tộc: Soóng cộ, Sloong hao, Soọng cô, Sli, Lượn, những đêm lửa trại truyền thống và trang phục, đồ dùng, thổ cẩm dân tộc...để phục vụ du khách là việc làm cấp thiết. Như vậy, văn hoá “vừa là mục tiêu, vừa là động lực” làm nền tảng cho sự phát triển du lịch và ngược lại du lịch cũng tạo cho văn hoá sự năng động, khơi dậy và phát huy các tiềm năng của văn hoá, phát triển nhanh và mạnh hơn.

Lục Ngạn đang đứng trước nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển. Giờ đây sự hợp nhất ba ngành Văn hoá - Thể Thao - Du lịch cũng là sự gắn kết, tương hỗ lẫn nhau, mở ra một hướng đi mới, thời cơ, vận hội mới đã mang lại cho Lục Ngạn những thuận lợi song cũng đặt ra trước mắt những thách thức mới. Chúng ta đã có bài học kinh nghiệm của nhiều nơi đi trước, với những tiềm năng phong phú và đa dạng như hiện nay đủ để các hoạt động du lịch phát triển, vì vậy rất cần có sự thực hiện đồng bộ, sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ, phát triển song hành để Lục Ngạn tiến nhanh, tiến vững chắc trên con đường phát triển kinh tế - xã hội mà mũi nhọn thứ hai của huyện Lục Ngạn phải là du lịch- ngành công nghiệp không khói này.


Nguồn: PHÒNG VHTT huyện Lục Ngạn
 

Bài mới nhất trong hồ sơ

Mùa cam, bưởi Lục Ngạn 2023 đến rồi :)
Đến mùa mật ong hoa vải nữa rồi
Chúc mừng năm mới 2023.chúc nhà nhà đón Tết bình an hạnh phúc
Việt Nam vô địch AFF CUP 2022
Tấm vé chung kết gọi tên những Chiến binh Sao vàng trong ngày toả sáng của Tiến Linh!
Xin được chúc mừng thầy trò HLV Park Hang-seo!
Bên trên